Quần thể danh thắng Tam Chúc nằm trên địa phận thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Cách đây trên 10.000 năm vùng đất này đã có người Việt cổ đến cư trú và khai phá. Các di chỉ, hiện vật mang những nét đặc trưng của văn hóa Hòa Bình, văn hoá Đông Sơn và các hiện vật thời kỳ Đông Hán, Tuỳ - Đường sang Lý - Trần được tìm thấy trên vùng đất này đã chứng tỏ điều đó. Vùng đất này còn gắn với các các vị thần, Phật, quân vương như Đinh Tiên Hoàng, Lý Quốc Sư, Trần Nhân Tông cùng những lễ hội độc đáo. Mang trong mình nhiều lớp trầm tích về lịch sử, văn hóa, từ những xóm núi heo hút xưa, Ba Sao đã trở thành thị trấn và đang ngày càng vươn mình phát triển, đặc biệt với thế mạnh du lịch khi nơi đây hiện hữu ngôi chùa kỳ vĩ, công trình thế kỷ của văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam và thế giới cùng các ngôi cổ tự có từ ngàn năm thờ Phật và những người có công với dân với nước.
Các nhân vật thờ và lễ hội tại Quần thể danh thắng Tam Chúc
Gắn liền các vị thần, Phật, quân vương nên nơi đây có một quần thể di tích độc đáo khá phong phú và đa dạng. Ngôi đình Tam Chúc cổ kính, mang đậm nét kiến trúc cổ truyền nằm trên mặt hồ Lục Nhạc (hồ Tam Chúc) là nơi thờ Đinh Bộ Lĩnh và vợ ông là Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt. Theo truyền thuyết địa phương và cuốn thần phả của đình Đặng Xá (xã Văn Xá, huyện Kim Bảng), khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh đem tướng sĩ về Hoa Lư chiêu mộ hào kiệt đi dẹp loạn 12 sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh đã về Kim Bảng lập đồn trại và truyền hịch Cần Vương dẹp giặc. Vợ chồng vị hào trưởng ở Văn Xá mến mộ tài đức đã gả con gái tên là Dương Thị Nguyệt cho Đinh Bộ Lĩnh. Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt sinh con gái đặt tên là Đinh Thị Ngọc (Ngọc Nương Công chúa). Sau khi Đinh Bộ Lĩnh mất, Lê Đại Hành hoàng đế lên ngôi truyền cho thiên hạ xã nào từng có đồn doanh vua Đinh đóng trước đây đến rước sắc về cho dân lập đền thờ, dân vùng Tam Chúc, xã Ba Sao tuân theo chiếu chỉ đến kinh thành rước sắc về phụng thờ.
Chùa Tam Chúc mới. Ảnh: Bình Nguyên
Đình Tam Chúc còn thờ Cao Sơn hộ quốc Thượng đẳng thần, vị tướng tài có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh Thục Phán. Trên đường đi đánh giặc, Cao Sơn đã lập đồn, trại ở nhiều nơi, trong đó có vùng đất Ba Sao. Khi ngài mất nhân dân lập thờ tại đình Tam Chúc. Phối thờ ở đình Tam Chúc còn vị nhân thần được phong là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị Thượng đẳng thần. Ngài được cho có công âm phù giúp vua Trần Anh Tông đánh giặc Chiêm Thành, vua Lê Thái Tổ đánh dẹp giặc Ngô và vua Lê Thánh Tông tiếp tục đánh thắng quân Chiêm Thành.
Ngôi cổ tự Ba Sao nằm giữa một vùng núi non sông nước kỳ vĩ nơi Thiền sư Nguyễn Minh Không trên bước đường xây dựng chùa, tu hành cứu nhân độ thế đã dừng chân, hái thuốc hành đạo cứu người và mở rộng chùa Ba Sao, đổi tên thành Tam Chúc Quốc tự. Sau khi ông mất, ngôi cổ tự này thờ ông cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tương truyền vào năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông hạ san thuyết pháp đã đi tìm lại dấu tích về Thiền sư Nguyễn Minh Không. Khi đến đất Ba Sao, thấy bên núi có ngôi cổ tự, Phật Hoàng đã dừng chân chiêm bái. Biết nơi đây thờ vị Quốc sư thời Lý nên đã cùng dân làng tu sửa lại chùa và ở đây giảng đạo pháp cho dân chúng.
Từ ngôi cổ tự nhìn xuống hồ Tam Chúc, trên mặt hồ có 6 nọn núi nhỏ, đền thờ Mẫu hiện tọa trên một trong sáu ngọn núi đó. Từ thời mới khai phá mảnh đất này, người dân nơi đây đã lập một am nhỏ trong hang đá để thờ Tam Toà Thánh Mẫu gồm Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải phủ. Sau khi Nguyệt Nương Hoàng hậu và Ngọc Nương công chúa qua đời, hai bà cũng được lập thờ ở đây. Ở Ba Sao còn có ngôi đền cổ gọi là đền Giếng tọa lạc ở tổ 3 thị trấn Ba Sao ngày nay. Đền thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải, Nga Hoàng phu nhân và Nữ Anh Phu nhân. Các ngài là nhân thần, được nhân dân trong vùng tôn vinh là Mẫu bản địa được triều đại các vua Nguyễn nhiều lần phong sắc.
Cùng với quần thể đình, đền, chùa cổ, trải qua nghìn năm, cảnh quan môi trường sinh thái nơi đây vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ, giàu giá trị vật thể, phi vật thể. Năm 2006 đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn dựng ngôi chùa tầm cỡ thế giới - chùa mới Tam Chúc. Chùa Tam Chúc mới được tạo dựng đã tô điểm thêm cảnh Phật nước nhà, xứng tầm nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Phật giáo thế giới vì niềm tin bác ái, hòa bình.
Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Kim Bảng). Ảnh: P.V
Tại Tam Chúc hiện còn lưu giữ Lễ hội cổ truyền làng Tam Chúc. Lễ hội làng Tam Chúc diễn ra tại 3 địa điểm chính: đình Tam Chúc, đền Mẫu, đền Giếng trong 3 ngày (từ ngày 9 – 11/11 âm lịch hằng năm) để tỏ lòng tôn kính biết ơn đối với các vị thần, Phật, các nhân vật lịch sử có công với dân với nước, cầu cho quốc thái, dân an, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu. Một trong những tục lệ độc đáo của hội làng Tam Chúc đó là tổ chức cuộc thi giữa 4 giáp trong việc chọn mâm lễ tiêu biểu để dâng Thánh trong ngày khai hội, đồng thời tổ chức các nghi thức rước nước và lễ mộc dục, thực hiện trò chồng kiệu truyền thống.
Lễ hội thứ 2 là Lễ hội chùa Tam Chúc được tổ chức ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Năm 2019 nhân sự kiện khánh thành giai đoạn I Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, đón mừng Đại lễ Phật đản thế giới 2019 (Đại lễ Vesak - 2019), tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiến hành khôi phục, tổ chức lại lễ hội và các nghi lễ tôn giáo có từ cách đây hơn 1.000 năm. Ngày khai hội đã diễn ra nghi lễ tâm linh do các chư vị tôn đức giáo phẩm cùng toàn thể tăng, ni, phật tử trong nước tiến hành như: Thỉnh chuông, đánh trống khai hội, dâng hương cầu an, tổ chức lễ rước chuông bình an, tổ chức nghi lễ rước nước và các hoạt động văn hoá Phật giáo.
Từ những giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên nêu trên, vừa qua Quần thể danh thắng Tam Chúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao xếp hạng là Di tích cấp quốc gia thuộc loại hình danh lam, thắng cảnh.
Độc đáo Quần thể danh thắng Tam Chúc
Ðể gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá phi vật thể nơi đây, những năm qua tỉnh Hà Nam đã quan tâm, chỉ đạo chính quyền địa phương, phối hợp cơ quan chuyên môn triển khai nhiều giải pháp để khôi phục các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất này, điển hình là Danh lam thắng cảnh Tam Chúc đã được quy hoạch là khu du lịch trọng điểm quốc gia. Theo quy hoạch, khu vực này có diện tích vùng lõi là 4.000 ha bao gồm toàn bộ thị trấn Ba Sao. Nằm bao quanh Danh lam thắng cảnh Tam Chúc (vùng đệm) còn có các quần thể di tích danh thắng như: Căn cứ địa Lạt Sơn xã Thanh Sơn; Danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn xã Tượng Lĩnh; Chùa Bà Đanh - Núi Ngọc xã Ngọc Sơn và đền Trúc Ngũ Động Sơn, xã Thi Sơn. Ranh giới khu bảo tồn di sản gồm có: Các di tích cổ, khu danh thắng hồ Tam Chúc - Quền Vồng và rừng nguyên sinh đặc hữu nơi bảo tồn Voọc mông trắng. Về địa giới Danh lam thắng cảnh: Phía Bắc giáp sông Đáy; phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình; phía Đông giáp xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng; phía Tây giáp khu vực chùa Hương, thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình.
Hồ Tam Chúc khi mới tích nước. Ảnh: Bình Chu
Danh lam thắng cảnh Tam Chúc với các khu vực bảo vệ 1A gồm: Dãy núi Ba Sao, núi Thất Tinh, thung Vạc, núi Cổ Sao, hang Dơi, giếng cacxtơ (cacxtơ là các dạng địa hình có liên quan đến sự lưu thông của nước trong các tảng đá dễ hoà tan), hang Đội 4, hang Đội 8, hang Logi, hồ Tam Chúc, đảo Cò, cồn Hến, chùa Ba Sao (chùa Tam Chúc cổ), đình Tam Chúc, đền Mẫu và chùa Tam Chúc mới. Núi Cổ Sao là ngọn núi cao nhất của dãy núi Ba Sao. Núi có dạng hình tháp với vách đá dựng đứng, bám vào vách đá là những cây dây leo, cây bụi tạo thành tầng. Trên đỉnh núi thường xuyên có mây mù bao phủ quyện vào núi như chiếc lọng tạo lên sự huyền bí, linh thiêng. Theo truyền thuyết, dưới thời Lý (1066 - 1141), Thiền sư Nguyễn Minh Không đã từng lên núi Cổ Sao hái thuốc, cho lập một am nhỏ ở đây để tu thiền. Thời gian sau, Phật hoàng Trần Nhân Tông có dịp qua đây đã lên núi thăm thú và cho tu sửa lại am thờ.
Giếng cacxtơ ở Ba Sao nằm ở phía bên phải núi Cổ Sao. Từ vị trí phát hiện giếng cacxtơ này lên tới đỉnh núi Cổ Sao sẽ phải đi lên tiếp khoảng 40m. Và khu vực đỉnh núi này đang được xây xếp bậc thang dẫn lên để dựng ngôi tháp dự kiến cao khoảng 5 tầng. Về hình thế, đây là một cảnh quan cacxtơ hiếm gặp. Giếng có dạng hình chữ nhật, diện tích ước chừng khoảng 350 - 400m2. Thành giếng là các vách đá dựng đứng có độ cao khác nhau. Thực vật mọc trong lòng giếng là các loài chuối, các cây thân leo, có nhiều hang nhỏ với nhiều chuông đá và nhũ đá.
Ba Sao còn là vùng núi đá vôi ngập nước rất độc đáo với hệ sinh thái hồ và đầm lầy, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm nên điểm nhấn của Danh lam thắng cảnh chính là hồ Tam Chúc. Nhờ bảo tồn tốt cảnh quan thiên nhiên nhiểu năm qua hồ Tam Chúc là địa điểm thường xuyên có các loài chim di cư tìm về, trong đó nhiều nhất là chim sâm cầm, các loại cò, vạc, bồ nông... Đây chính là tiền đề cho việc phát triển du lịch sinh thái hồ và du lịch tham quan hệ sinh thái đất ngập nước.
Đặc biệt nhất là Khu tâm linh Phật giáo Tam Chúc - một quần thể công trình kiến trúc tâm linh đương đại có quy mô lớn tầm cỡ thế giới, với nhiều kỷ lục đã được xác lập. Toàn bộ khu tâm linh Phật giáo được xây dựng trên diện tích 146 ha, trên trục nhất chính đạo chùa Tam Chúc gồm có: chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, vườn cột kinh, tam quan nội, thủy đình… Khu du lịch tâm linh Tam Chúc nằm ở vị trí đặc biệt, điểm kết nối giữa Khu du lịch Chùa Hương (Hà Nội) với Khu Văn hóa tâm linh chùa Bái Đính, Khu Du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) tạo nên một loại hình sản phẩm du lịch tâm linh mang tính liên vùng tiêu biểu góp phần nâng cao giá trị lịch sử, văn hoá, du lịch, kinh tế cho các địa phương.
Đàn voọc mông trắng ở rừng Kim Bảng, Hà Nam. Ảnh tư liệu
Tại khu vực bảo vệ 2A của danh lam, điểm nhấn là Khu bảo tồn loài Voọc mông trắng. Đây là loài linh trưởng đặc hữu, chỉ phân bố tự nhiên ở Việt Nam. Ðây cũng là loài nằm trong danh sách các loài bị đe dọa cực kỳ nguy cấp của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Hiện, Voọc mông trắng phân bố chủ yếu tại khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình và vùng rừng thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nhận thấy sự quan trọng trong việc bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này, từ năm 2019, tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị tham vấn, xây dựng đề án xác lập Khu bảo tồn Voọc mông trắng. Từ đó, Hạt Kiểm lâm huyện Kim Bảng đã phối hợp tổ chức FFI (Tổ chức Bảo tồn Động thực vật quốc tế) và Công ty Du lịch và Dịch vụ Tam Chúc thành lập Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thường xuyên theo dõi, kiểm tra và ngăn chặn tình trạng săn bắt động vật hoang dã, trong đó có Voọc mông trắng. Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang làm hồ sơ thành lập Khu bảo tồn Voọc mông trắng với tổng diện tích trên 3.180 ha trình UBND tỉnh.
Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tam Chúc
Quần thể danh thắng Tam Chúc nằm trên vùng địa chất đá vôi nhiệt đới ẩm nổi bật tương tự như ở Tràng An, tỉnh Ninh Bình, được xem như một mô hình cùng loại và có ý nghĩa địa chất nổi bật toàn cầu. Sự phát triển địa hình qua hơn hàng triệu năm đã hình thành nên nơi đây một cảnh quan có vẻ đẹp nguyên sơ, lộng lẫy với các giá trị thẩm mỹ nổi bật – một sự hòa quyện giữa các ngọn núi tháp vách bao, được phủ lên bởi thảm rừng, các bồn trũng, hang động và suối ngầm. Trong điều kiện không gian địa lý, Danh lam thắng cảnh Tam Chúc mang yếu tố đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh vật trong sự tiến hóa và phát triển các hệ sinh thái trên mặt đất, trong nước ngọt, nước biển và các cộng đồng động thực vật, chứa đựng các môi trường sinh sống thiên nhiên quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học. Nơi đây còn lưu giữ những di tích, di chỉ khảo cổ học, dấu tích, huyền tích về lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo, tín ngưỡng bản địa Việt Nam trải qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc… trong lịch sử dân tộc.
Du khách tham quan chùa ngọc. Ảnh Thế Trang
Với vị trí, vai trò và thế mạnh về tài nguyên du lịch, Tam Chúc đã được các cấp chính quyền từ Trung ương đến tỉnh quan tâm định hướng để phát triển thành Khu du lịch quốc gia. Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Tam Chúc là 1 trong 9 Khu du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc và là 1 trong 47 Khu du lịch của cả nước có tiềm năng phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia. Trong Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 30/6/2016 của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch giai đoạn 2016 - 2025 đã đề ra những quan điểm, mục tiêu quan trọng để phát triển du lịch của Hà Nam. Đặc biệt trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2018 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, Khu du lịch Tam Chúc cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Tam Chúc trở thành Khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Để đạt được mục tiêu đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo vệ các giá trị, tính toàn vẹn và chân thật và chính xác của di sản. Tập trung nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy các mặt giá trị nổi bật toàn cầu của Danh lam thắng cảnh Tam Chúc. Xác lập cơ sở pháp lý và khoa học để xây dựng quy hoạch tổng thể, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Gắn việc bảo tồn, phát huy di sản với phát triển du lịch, phát triển cộng đồng dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung phát triển du lịch nhưng phải đặc biệt tôn trọng và thân thiện với cả hai loại môi trường: môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa xã hội. Xây dựng quy hoạch, đề án phát triển các loại hình du lịch trong khu di sản, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và loại hình dịch vụ. Xây dựng kế hoạch, đề án quảng bá du lịch cho di sản Quần thể danh thắng Tam Chúc. Xây dựng kế hoạch kiểm soát môi trường trong khu vực di sản thông qua kế hoạch quan trắc môi trường hàng năm để có biện pháp bảo vệ môi trường di sản. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị phù hợp đối với đặc thù của di sản. Thiết lập cơ chế phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương nhằm thu hút nguồn lực của toàn xã hội cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tam Chúc.
Nguồn: Chu Bình/baohanam.com.vn