Đền thờ 10 nữ Liệt sỹ dân quân Lam Hạ

23/07/2024

Đền thờ 10 nữ Liệt sỹ dân quân Lam Hạ được xây dựng trên khu đất thuộc khu vực trận địa pháo phòng không 37 ly thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên trong những năm chống chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ (nay là tổ dân phố Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý), phía trước có treo quả bom nặng 250kg do đế quốc Mỹ ném xuống trận địa ngày 1/10/1966, được Trung đoàn công binh 299 - Quân đoàn I trục vớt ngày 20/10/2008. Bốn mùa được che mát bởi những tán cây cổ thụ. Đền thờ là nơi người dân trong vùng, quanh vùng và du khách thập phương tới dâng hương, thắp nến... tưởng nhớ, tri ân công lao của 10 nữ Liệt sỹ dân quân Lam Hạ đã anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Đền thờ 10 nữ Liệt sỹ dân quân Lam Hạ được xây dựng gồm: Tòa tiền đường 3 gian, hậu cung 1 gian, bốn mái cong, nền lát gạch bát tràng, cửa gian giữa làm kiểu thượng song hạ bản, các vì nóc làm kiểu chồng rường con nhị… Chính gian giữa tiền đường đặt ban thờ công đồng, trên tường tiền đường có treo ảnh chân dung 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ. Hậu cung đặt ban thờ 10 nữ liệt sỹ, trên ban thờ có bài vị ghi tên các nữ liệt sỹ. Tới dâng hương, thắp nến tưởng nhớ, tri ân các nữ liệt sỹ ai cũng xúc động nghẹn ngào khi nhìn những bức ảnh chân dung của các chị treo ngay ngắn, trang trọng trên tường tòa tiền đường. 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ hy sinh ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất (từ 16 đến 24 tuổi), các chị chính là những tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, mãi là niềm tự hào của quê hương, đất nước. 

Sau những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ tiến hành leo thang đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn chi viện sức người, sức của của quân và dân miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam; đồng thời phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Lam Hạ có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng chạy qua như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, 3km đường đê Bắc Châu Giang, ngoài ra còn có 2 cầu phao (còn gọi là cầu chìm) dùng cho xe quân sự vượt qua sông Châu Giang mỗi khi cầu Phủ Lý bị đánh phá chưa kịp khắc phục. Với vị trí chiến lược quan trọng, từ đầu năm 1965 đến cuối năm 1966, Quân khu 3 đã khảo sát, bố trí trên địa bàn xã Lam Hạ 3 trận địa pháo phòng không 37ly, 57 ly và 100 ly đặt ở 3 thôn: Đình Tràng, Đường Ấm, Hòa Lạc nhằm phối hợp với trận địa pháo phòng không xã Phù Vân tạo thành thế gọng kìm, đánh trả hiệu quả các đợt đánh phá của máy bay địch bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc, phục vụ công tác vận chuyển lương thực, chi viện sức người cho các mặt trận trên chiến trường miền Nam. Trong 3 trận địa trên thì trận địa pháo phòng không 37 ly thôn Đình Tràng là trận địa chính, quan trọng nhất, nơi đây được coi là “chốt thép tả ngạn sông Châu”.

Đền thờ 10 nữ Liệt sỹ dân quân Lam Hạ là nơi giáo dục  truyền thống cho các thế hệ.
Ảnh: Thế Trang

Được sự chỉ đạo của các cấp từ tỉnh đến cơ sở, theo yêu cầu của nhiệm vụ phối hợp chiến đấu, ngày 5/8/1965, Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ được thành lập, quân số 87 đồng chí, chia làm 2 trung đội (1 trung đội nam, 1 trung đội nữ), 1 tổ trinh sát, 1 tổ thông tin, 1 tổ cấp cứu tải thương. Trung đội nữ gồm 24 đồng chí vừa độc lập tác chiến, vừa chiến đấu trong đội hình bộ đội chủ lực. Các chiến sỹ nữ dân quân được phân công trong các trận địa pháo của bộ đội chủ lực như sau: trận địa pháo 37 ly 7 chiến sỹ, hai trận địa pháo 57 ly và 100 ly mỗi trận địa 6 chiến sỹ. Ở mỗi trận địa, các nữ dân quân được phân công ở những vị trí chiến đấu khác như: vị trí pháo thủ, cứu thương, tiếp đạn...

Trong suốt 7 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1972) dù mưa bom của giặc Mỹ trút xuống các trận địa suốt ngày đêm, lực lượng dân quân phòng không xã Lam Hạ vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu anh dũng để bảo vệ an toàn các mục tiêu được giao. Trong các trận chiến đấu ác liệt ngày 1/10/1966, ngày 9/10/1966 và ngày 7/7/1967 tại các trận địa pháo phòng không 10 nữ dân quân Lam Hạ đã anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương. Đó là Liệt sỹ Đinh Thị Tâm, Trần Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương, Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh và Đặng Thị Chung. Sự hy sinh của 10 nữ Liệt sỹ dân quân Lam Hạ thể hiện ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì quê hương của những người con mảnh đất Lam Hạ anh hùng. Sự hy sinh của các chị còn là biểu tượng của tinh thần bất khuất; là sự tiếp nối truyền thống đánh giặc giữ nước vẻ vang của cha ông; là niềm tự hào của người dân Lam Hạ nói riêng, người dân Hà Nam nói chung.

Tôi từng có dịp được gặp gỡ, trò chuyện với người thân các liệt sỹ nữ dân quân Lam Hạ ngay tại Đền thờ các chị. Trong ký ức của người thân, khi còn sống, các chị đều là những cô gái dịu dàng, hiền hậu, đảm đang, vui tươi, lạc quan, yêu đời, luôn quan tâm chăm lo cho gia đình, đặc biệt hết sức trách nhiệm trong công việc, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu chống kẻ thù.

Đền thờ 10 nữ Liệt sỹ dân quân Lam Hạ cùng với Đền Liệt sỹ tỉnh Hà Nam và Di tích quốc gia trận địa pháo phòng không Lam Hạ (1965-1972) là nơi thăm viếng, tưởng nhớ, tri ân các nữ liệt sỹ, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, giáo dục về những tấm gương đã dũng cảm hy sinh trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ tiếp nối. 

Nguồn: baohanam.com.vn

Ẩm thực

Địa điểm