Mặc dù có vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, nhưng cho đến nay, thương hiệu du lịch Hà Nam còn khá mờ nhạt trên bản đồ du lịch của cả nước. Vì thế, để “đánh thức” du lịch Hà Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Khu du lịch Tam Chúc, một trong những điểm đến của Hà Nam thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh: Linh Tâm
Nhiều tiềm năng, thiếu bứt phá
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, lại cận kề với những điểm du lịch lớn của Đồng bằng sông Hồng như chùa Hương (Hà Nội), Phố Hiến (Hưng Yên), đền Trần (Nam Định), Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình), Hà Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Tỉnh còn sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng về địa hình, địa mạo; từ cảnh quan núi đá, hang động như Ngũ Động Sơn, hang Luồn, Bát Cảnh Sơn cho tới hệ thống sông hồ dày đặc với vẻ đẹp thơ mộng như sông Hồng, sông Đáy, núi Đọi - sông Châu, hồ Tam Chúc...
Song song với đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn với nhiều giá trị nổi bật, thể hiện qua hệ thống 230 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (chùa Đọi Sơn và đền Trần Thương), 95 di tích cấp quốc gia, 133 di tích cấp tỉnh; 209 lễ hội dân gian cùng hơn 40 làng nghề thủ công truyền thống lâu đời như dệt lụa Nha Xá, trống Đọi Tam, gốm Quyết Thành, mộc Kim Bảng... Nguồn tài nguyên đa dạng trên là “bước đà” để Hà Nam phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch golf, du lịch văn hóa...
Không chỉ sở hữu tiềm năng phong phú, Hà Nam còn có nhiều cơ hội để phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng du lịch đủ tiêu chuẩn. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 cơ sở lưu trú với gần 4.000 phòng, có 3 khách sạn 5 sao (trong đó có 1 khách sạn 5 sao của tập đoàn BRG đang trong quá trình hoàn thiện). Ngoài ra, Khu du lịch Tam Chúc sẽ sớm trở thành khu du lịch quốc gia cùng với 12 điểm du lịch đã được công nhận.
Liên tiếp trong hai năm 2023 - 2024, Hà Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” và “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”. Với những danh hiệu này, Hà Nam quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo.
Biến hạn chế thành động lực phát triển
Mặc dù sở hữu rất nhiều tiềm năng nhưng du lịch Hà Nam dường như đã "ngủ quên" suốt nhiều năm qua. Một phần là bởi Hà Nam ít được nhớ tới do bị “kẹt” giữa những trung tâm du lịch lớn ở phía Bắc như Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh; một phần là trong các quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch vùng và cả nước hầu như không chú ý đến Hà Nam. Nguyên nhân không kém phần quan trọng khác là công tác xúc tiến quảng bá du lịch của Hà Nam còn mờ nhạt, thiếu những chiến lược cụ thể, bài bản để đưa hình ảnh vùng đất và con người Hà Nam đến với du khách.
Những nguyên nhân trên khiến cho du lịch Hà Nam tuy có số lượng khách tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây (năm 2023 đón hơn 4 triệu lượt khách, 9 tháng năm 2024 đón khoảng 4,2 triệu lượt khách) nhưng chủ yếu mới thu hút khách nội địa (chiếm 97% tổng lượng khách). Thời gian lưu trú trung bình của du khách ngắn, chỉ đạt 1,3 ngày. Mức chi tiêu của khách chưa cao vì chủ yếu là khách nội địa đi du lịch tâm linh hoặc tham quan các di tích lịch sử, công trình kiến trúc. Hệ thống lưu trú cao cấp với các khách sạn từ 3 sao trở lên mới đạt khoảng 10% nên chưa thu hút được dòng khách cao cấp. Sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu cũng là một trong những “điểm trừ” khiến du lịch Hà Nam khó hút khách.
Để khắc phục những hạn chế trên, Hà Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Trương Sỹ Vinh, Hà Nam cần đầu tư phát triển các khu điểm du lịch, tập trung vào du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; phát triển các dịch vụ, tiện ích cho khách du lịch, đặc biệt là xây dựng các khách sạn cao cấp để thu hút dòng khách MICE. Lựa chọn đầu tư phát triển 1 - 2 mô hình làng du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa và cảnh quan nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp theo mô hình Làng du lịch tốt nhất thế giới (Việt Nam hiện có 2 làng).
Là một trong những tập đoàn đầu tư vào Hà Nam với kỳ vọng góp sức “đánh thức” tiềm năng du lịch của Hà Nam, Tập đoàn Sun Group đã và đang triển khai một số dự án. Theo Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun World (Sun Group) Trần Nguyện, mới đây, tập đoàn đã đầu tư xây dựng dự án Đô thị nghỉ dưỡng - Sun Urban City quy mô 420ha với tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. Dự án được phát triển theo mô hình “Thành phố nghỉ dưỡng ngoại ô 1.001 tiện ích” vừa tạo lập môi trường sống hiện đại cho người dân, vừa xây dựng 5 đại công viên với phong cách và công năng khác nhau, hứa hẹn tạo động lực cho sự phát triển du lịch của địa phương.
Với quyết tâm đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy khẳng định, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tiếp tục triển khai các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt; tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là thị trường khách quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch...
Nguồn:hanoimoi.vn