Nằm cách trung tâm Hà Nội gần 70km, chùa Cây Thị (hay Tịnh Viện Di Đà) tọa lạc tại thôn Chè Trình (xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) là ngôi cổ tự có niên đại khoảng 400 năm được nhiều người biết tới.
Chùa Cây Thị nằm trên một địa thế đẹp ở lưng chừng núi Ngự có độ cao 115m so với mực nước biển. Hai bên là dãy núi có hình thế “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”. Theo sườn núi hướng lên đỉnh về phía đông nam, cách chùa cổ khoảng 100m là lăng mộ Thượng thư - Tiến sĩ Trương Công Giai. Bên dưới chân núi, theo hướng tây nam, cách chùa cổ 50m là Đền thờ liệt sĩ núi Chùa, nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 241 bộ đội chủ lực, dân quân, du kích địa phương chống lại trận càn lịch sử Chanh Chè lần hai (21-5-1954) của thực dân Pháp. Năm 2010, địa danh núi Chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Theo thông tin ghi trên tấm văn bia có niên đại 1940 được lưu trong chùa, chùa Cây Thị xưa gồm 5 gian thờ Phật và 3 gian thờ Tổ. Năm 1954, sau trận càn của Pháp, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Tháng 12-2019, chùa được chính quyền địa phương và các Phật tử gần xa hưng công tôn tạo, xây dựng lại khang trang, đẹp đẽ hơn.
Nét kiến trúc đặc trưng của chùa Cây Thị là phong cách hiện đại đan xen với truyền thống, là sự hiện diện của phong cách thiền tự Á Đông hòa cùng nét văn hóa Việt tạo nên một quần thể kiến trúc và không gian Phật giáo thanh tịnh, yên bình. Bước trên những con đường rải sỏi trắng hay những bậc thang bằng đá, hai bên là những hàng thông, tùng và vườn cây xanh rì, du khách sẽ đi qua Nghinh khách đường, Vườn thiền, Quan Âm Các để tới Cổ tự. Bên trong là pho tượng Phật Tổ bằng đồng đen cao 2,5m. Từ ngoài nhìn vào, bên trái chùa chính là lầu Địa Tạng, bên phải là lầu Quan Âm. Phía trước là cây thị cổ thụ tỏa bóng mát che chùa chính và lầu Ca Diếp. Dưới gốc cây thị cổ thụ 375 tuổi là pho tượng chó đá cổ.
Khu vực dưới chân chùa chính là tháp Tổ, khu giảng đường, khu nhà nghỉ, nhà bếp, thư viện, văn phòng... phục vụ cho các hoạt động và các khóa tu với sức chứa lên đến hàng trăm người.
Đặc biệt, trong khuôn viên chùa không đặt nhiều tượng Phật mà chỉ tập trung ở khu nội tự. Do tách bạch được không gian thờ tự với các cảnh điểm bên ngoài nên du khách có thể thoải mái tham quan, chụp ảnh mà không làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của chùa. Bởi vậy, chùa Cây Thị không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng, mà còn là điểm tham quan thú vị của du khách, Phật tử gần xa trong hành trình đến với Hà Nam.
Nguồn: hanoimoi.com